Cách lắp đặt và sử dụng hệ thống báo cháy sớm không đơn giản như bạn nghĩ, phải tìm hiểu kĩ trước khi lắp đặt để đảm bảo an toàn hết mức có thể trong trường hợp xấu. Hãy tham khảo ngay bài chia sẻ dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về các thiết bị báo cháy nhé.
Báo cháy sớm bao gồm những thành phần nào?
Cấu tạo của các hệ thống báo cháy sớm thường có 3 thành phần chính là bộ điều khiển trung tâm, các thiết bị đầu dò (sensors) và đầu báo hiệu. Trong đó, đầu dò có thể là dò nhiệt, dò khói, dò ga, dò chuyển động…, còn đầu báo hiệu sẽ là còi, loa, đèn chớp hoặc là bộ phát tín hiệu về ứng dụng trên điện thoại đối với các hệ thống báo cháy thông minh. Mỗi hệ thống này có thể đi kèm điều khiển từ xa nữa.
Hầu hết các hệ thống báo cháy đều giống nhau ở các thành phần, nhưng đầu dò thì có nhiều loại lắp trần hoặc đứng, dùng pin thường hoặc pin sạc lại, diện tích sử dụng khá rộng, có thể tích hợp sẵn còi báo âm lượng lớn. Bộ điều khiển trung tâm có thể quản lý nhiều đầu dò khác nhau nên nhà rộng, nhiều phòng hay nhà cao tầng yên tâm lắp đặt.
Khi đầu dò phát hiện có lửa và khói trong nhà sẽ bật loa/còi thông báo và chuyển tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm. Một số loại còn tự động gọi đường dây nóng chữa cháy hoặc cho số điện thoại bất kì tùy gia chủ cài đặt. Với các đầu dò báo cháy thông minh, chúng hoạt động dựa vào wifi nên bộ điều khiển trung tâm chính là chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu 1 trong 2 thành phần không thể kết nối với internet thì sẽ không thể hoạt động bình thường.
Vị trí nào thích hợp nhất để lắp đặt thiết bị báo cháy?
Đối với các hộ gia đình, mỗi phòng hoặc không gian với diện tích khoảng 30m2 có thể lắp 1 đầu dò. Ví dụ, phòng khách và bếp nối liền, diện tích khoảng 35m2 nhưng có thể chỉ cần đặt 1 đầu dò ở giữa không gian. Nhưng, với phòng ngủ nhỏ chỉ 10m2 cũng bắt buộc phải có đầu dò riêng để đảm bảo phát hiện cháy nổ kịp thời.
Một số vị trí nên tránh đặt đầu dò khói, nhiệt là ngay phía trên bếp và những nơi thường xuyên ẩm ướt như WC hoặc ban công. Khi nấu nướng, khói và nhiệt từ đồ ăn có thể khiến máy hiểu nhầm và phát đi thông báo cháy, trong khi ngoài ban công có thể vì độ ẩm cao, mưa, nhiệt độ cao… khiến máy hoạt động không còn ổn định như mong muốn.
Với phần còi báo cháy, cần lắp đặt ở những không gian chung, tiếp nối giữa các gian, phòng như hành lang, đầu cầu thang… để mọi người dễ nghe thấy nhất có thể. Bộ điều khiển trung tâm nên được lắp đặt ở vị trí an toàn, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ và phải dễ tiếp cận trong trường hợp có hỏa hoạn thật.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên lắp đặt hệ thống báo cháy ở những nơi có từ trường, điện trường cao vì có thể khiến hệ thống gặp sự cố, hoạt động không ổn định, đặc biệt với các loại báo cháy không dây.
Cảnh giác những thiết bị báo cháy kém chất lượng
Không phải báo cháy nào cũng hoạt động chuẩn 100%. Bởi có 1 số loại báo cháy nhạy hơn hoặc kém nhạy hơn nhau. Thường thời gian nhận biết của đầu dò khói là dưới 30 giây sau khi phát hiện nồng độ khói cao hơn 15 – 20% ngưỡng cho phép. Nếu báo cháy thường xuyên phát hiện nhầm hoặc quá nhạy cảm với khói lửa thì nên kiểm tra lại để sửa hoặc thay thế loại khác chất lượng cao hơn.