Giống như những công trình khác, khách sạn, nhà nghỉ luôn cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối về tính mạng của mọi người bằng cách trang bị, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy. Vậy quy định cụ thể của công tác PCCC tại khách sạn, nhà nghỉ là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Tại phụ lục III Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về danh mục các cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Quản lý an toàn Phòng cháy và Chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước, trong và sau khi đưa vào sử dụng. Trong đó, các nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn, nhà đa năng, trụ sở làm việc của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác cũng nằm trong danh mục những cơ sở này.
Đồng thời, theo quy định tại phụ lục I của Nghị định 79/2014/NĐ-CP, nhà nghỉ, khách sạn cũng thuộc danh mục thuộc diện quản lý phòng cháy chữa cháy và là cơ sở có nguy hiểm về sự cố cháy, nổ. Vì vậy, các nhà nghỉ và khách sạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy trước khi đi vào hoạt động kinh doanh.
Đối với cơ sở có chiều cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000 m3 trở lên nhưng không quá 9 tầng hoặc 25m
Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ của cơ quan, tổ chức (bao gồm cơ sở kinh doanh khách sạn) nêu rõ:
– Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn hoặc sơ đồ cũng như những quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
– Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
– Phải đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy các hệ thống điện, chống tĩnh điện, hệ thống chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
– Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện kinh doanh, đặc điểm của cơ sở.
– Phải có đội ngũ hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và được bố trí thường trực để sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
– Có phương án chữa cháy, thoát nạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định này.
– Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ ngăn cháy, thiết bị cảnh báo cháy nhanh; phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác; phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
– Có hồ sơ theo dõi, quản lý các hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định của Bộ Công an.
Đối với cơ sở có chiều cao dưới 5 tầng hoặc khối tích dưới 5000m3
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định: Các cơ sở này phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với cơ sở có chiều cao trên 9 tầng hoặc từ 25m trở lên
Đối với các cơ sở trong diện này, thì ngoài việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này, còn phải thực hiện thêm một số điều kiện sau:
– Kết cấu xây dựng của cơ sở phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của cơ sở, theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
– Các vách ngăn, tường và trần của đường thoát nạn, lối thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người, tuyệt đối không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm hay cách nhiệt và các vật liệu dễ cháy.